CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TIÊN PHONG HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG THANH HÓA VĂN MINH, THỊNH VƯỢNG !

Hạn chế sử dụng túi nylon – Góp phần giảm thiểu ô nhiễm trắng

Đăng lúc: 2024-08-16 10:55:52
100%

“Ô nhiễm trắng” là cụm từ mà các nhà khoa học dùng để gọi về một loại ô nhiễm do túi nylon gây ra cho môi trường. Ô nhiễm trắng xảy ra khi con người xử lý túi nylon đã qua sử dụng không đúng cách, với hàng loạt hệ lụy khôn lường

Ô nhiễm trắng” là cụm từ mà các nhà khoa học dùng để gọi về một loại ô nhiễm do túi nylon gây ra cho môi trường. Ô nhiễm trắng xảy ra khi con người xử lý túi nylon đã qua sử dụng không đúng cách, với hàng loạt hệ lụy khôn lường…Lợi bất cập hại

Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp túi nylon ngập tràn ở các siêu thị, chợ và các cửa hàng bán lẻ. Từ chị bán hàng rong đến người bán đồ ăn đều tích trữ túi nylon để gói hàng cho khách. Người tiêu dùng cảm thấy tiện khi sử dụng chúng để đựng đồ. Bởi có lẽ, túi nylon đã trở thành vật dụng khó có thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Nó gắn với thói quen cố hữu của không ít người dân. Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, túi nylon được sử dụng phổ biến và hầu như có mặt ở mọi nơi, từ cửa hàng nhỏ lẻ đến các siêu thị và những trung tâm thương mại lớn. Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5 - 7 túi nylon/một ngày bao gồm cả túi to, túi nhỏ và những túi siêu nhỏ... Như vậy hàng triệu túi nylon được sử dụng và thải ra môi trường hàng ngày tại Việt Nam.

Nguy hại là thế nhưng quy mô sử dụng túi nylon trên thế giới khiến người ta phải giật mình. Chỉ xin nêu vài con số thống kê được: Mỗi năm, châu Âu sử dụng gần 100 tỷ túi nylon; nước Mỹ tiêu tốn 12 triệu thùng dầu thô để sản xuất khoảng 100 ty túi nylon; mỗi phút, trên thế giới có hơn 1 triệu túi nylon được sử dụng.

Đáng chú ý là lượng túi nylon này tăng theo từng năm. Đây chính là một “gánh nặng” cho môi trường, thậm chí, còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là “Ô nhiễm trắng”.

Trong khi đó, theo nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, tác hại nguy hiểm nhất của túi nylon tới môi trường chính là tính chất rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Chiếc túi nylon nhỏ bé và mỏng manh như vậy nhưng lại có quá trình phân hủy có thể kéo dài từ 500 đến 1.000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời.

Kể từ khi ra đời, với các đặc tính không thấm nước, bền vững trong các điều kiện tự nhiên, túi nylon được coi là một phát kiến vĩ đại trong cuộc sống của con người. Nhưng giờ đây, các chuyên gia môi trường cho rằng, chính đặc tính khó phân hủy trong tự nhiên, khiến cho túi nylon trở nên cực kỳ nguy hiểm đối với môi trường. Bởi sau khi sử dụng, hầu như túi nylon bị thải ra, tràn ngập ngoài bãi rác, vương vãi khắp các hệ thống kênh rạch, mương máng, bị vùi dưới đất sâu đến hàng trăm năm sau mới có thể phân hủy hết. Chúng gây ra tình trạng tắc nghẽn cống rãnh, tạo điều kiện cho muỗi và bệnh dịch phát sinh, dẫn đến tình trạng ngập lụt, làm xói mòn, thoái hóa đất đai, ứ đọng nước thải, hạn chế sự phát triển của cây trồng.

Mặt khác, theo các nhà nghiên cứu cho biết chúng còn ảnh hưởng, tác hại đến sức khỏe, cuộc sống con người như: Túi nylon siêu mỏng được sản xuất thủ công rất độc hại. Nhiều cửa hàng bán thực phẩm ăn chín vẫn thản nhiên sử dụng các loại túi này để đựng đồ. Rất nhiều túi nylon bị thải loại trong các bãi rác được đồng nát thu gom và bán lại cho các cơ sở tái chế, biến nylon mất vệ sinh trở lại thành túi, không đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân.

Túi nylon được làm từ nhựa PTE không độc nhưng các chất phụ gia thêm vào để làm túi nylon mềm, dẻo, dai lại vô cùng độc hại. Nếu đựng đồ nóng từ 70 - 80 độ C, những chất phụ gia sẽ có phản ứng và gây ra những ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe.

Những loại túi nylon nhuộm màu xanh đỏ chứa các kim loại như chì, cadimi… khi dùng đựng thực phẩm đã chế biến sẽ gây độc cho thực phẩm, gây ra tác hại xấu cho bộ não của con người và là nguyên nhân chính gây ung thư.

Túi nylon có chứa chất PE và PP, khi đốt sẽ tạo thành khí cacbonic, metan và chất dioxin cực độc, gây ngộ độc, khó thở, nôn ra máu, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng và các dị tật bẩm sinh cho trẻ nhỏ. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng lệnh cấm sử dụng túi nylon và yêu cầu thay thế bằng túi vải hoặc túi giấy, các loại túi này có đặc tính sử dụng nhiều lần, dễ dàng tái chế, và thân thiện với môi trường vì được sản xuất từ các vật liệu tự nhiên không độc hại như đay, gai...

Không sử dụng – không khó!

Tại Việt Nam vấn nạn “ô nhiễm trắng” ngày càng trở thành mối nguy hại lớn đối với môi trường, phải có những biện pháp xử lý cấp thiết. Vì vậy, chúng ta đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm hạn chế việc sử dụng túi nylon. Đơn cử như:

Tại Hà Nội đã và đang triển khai thực hiện dự án “Hãy sử dụng túi thân thiện với môi trường”. Trong đó có các hoạt động như cung cấp các thông tin cần thiết tới người dân về ý nghĩa của việc thu gom và xử lý túi nylon một cách hợp lý. Đồng thời, tuyên truyền hạn chế sử dụng túi nylon, sử dụng các sản phẩm túi thân thiện với môi trường; Giới thiệu và đưa đến tận tay người dân những sản phẩm túi thân thiện với môi trường (túi vải, túi giấy); Tạo ý thức cho người dân trong việc bảo vệ môi trường sống và sức khỏe cộng đồng… Đã hình thành nên các phong trào như: Nhân dân Thủ đô nói không với túi nylon, đã có gần 100% cán bộ, hội viên phụ nữ ở cơ sở và gia đình gương mẫu đã đi đầu duy trì phong trào này. Nhiều tổ dân phố, khu dân cư nội thành, các thôn, xóm ngoại thành đã phát động phong trào sử dụng túi vải, túi giấy, túi thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng túi nylon với tinh thần tự nguyện. Nhiều trường học trên địa bàn thành phố hưởng ứng chương trình, với hàng chục nghìn học sinh, sinh viên tham gia giao lưu “Đại sứ xanh”, “Hiệp sĩ bảo vệ môi trường”, trồng cây xanh, cam kết nói không với túi nylon…

“Nói không với túi nylon” là một phong trào đang có sức lan tỏa rộng khắp ở các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên - Huế trong những năm vừa qua. Nhiều mô hình hạn chế túi nylon phù hợp góp phần bảo vệ môi trường được triển khai và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân nơi đây như mô hình: “Đi chợ cùng làn nhựa”, “Phụ nữ hạn chế túi nylon khi đi chợ”, Câu lạc bộ Phụ nữ “Nói không với túi nylon”, “Dùng giỏ nhựa đi chợ, hạn chế sử dụng túi nylon”, Thu gom, phân loại rác thải; “Bảo vệ môi trường xanh vì nếp sống văn minh đô thị”... Hiệu quả thấy rõ là đến nay, hình ảnh những người phụ nữ xách giỏ đi chợ, mua đồ ăn sáng bằng cặp lồng, đựng thực phẩm tươi sống bằng hộp nhựa, gói rau, củ, quả bằng giấy báo… đã trở nên quen thuộc đối với người dân đất cố đô.

Từ năm 2009 đến nay, kế hoạch chấm dứt sử dụng túi nylonchính thức được thực hiện ở Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam). Ai đã từng đến Cù Lao Chàm sẽ được thấy, chứng kiến ở đây có kiểu “chào quý khách” không giống ai. Họ chào bằng hai câu treo ở cổng chợ: “Không phát túi nylon cho người mua hàng” và “Xách giỏ đi chợ- phong cách của người nội trợ”. Rất cụ thể, không hoa hòe hoa sói, đó là tính cách của người dân ở Cù Lao Chàm. Thay vì chỉ một câu chào xã giao treo ở đầu bến cảng, Cù Lao Chàm còn kèm thêm hai câu mang tính vừa cảnh báo lại vừa khuyến cáo như trên. Nói “không” với túi nylon một cách quyết liệt và triệt để. Nhờ đó, cho đến nay, Cù Lao Chàm vẫn giữ được nét hoang sơ và mộc mạc, tĩnh lặng và sạch sẽ; xứng đáng với tên gọiKhu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm.

real time football odds movementsfootball dropping odds from oddslotfootball dropping odds compare soccer odds

Như vậy, có thể nói, nếu mỗi người có ý thức hạn chế tối đa việc dùng túi nylon cũng đủ tạo nên sự thay đổi lớn đối với môi trường.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã có những giải pháp mạnh để giải quyết vấn đề này như: Ban hành lệnh cấm sản xuất túi nylon khó phân huỷ, đánh thuế nặng đối với sản xuất túi nylon đã được áp dụng tại Trung Quốc, Anh, Thuỵ Sỹ, Nam Phi, Đan Mạch và một số bang ở Hoa Kỳ… Ngoài ra, các nước này cũng yêu cầu người tiêu dùng phải trả tiền mua túi nylon khi mua hàng để khuyến khích người dân tái sử dụng túi nylon hoặc sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường.

Đó là những chương trình, dự án, phong trào, là những mô hình hay mà các cụm dân cư, cộng đồng xã hội có thể nhân rộng và những chiến lược, kế sách của các quốc gia. Vì vậy để thành công, hiệu quả lớn và có tác dụng lâu dài thì ngoài sự quyết tâm của chính quyền còn cần sự thay đổi nhận thức và đồng thuận của mọi người để có ý thức và hành động bảo vệ môi trường được tốt hơn./.

Phương Linh,CTV – Bảo vệ Môi trường

Tin khác