CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TIÊN PHONG HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG THANH HÓA VĂN MINH, THỊNH VƯỢNG !

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Tổ chức Hội thảo “Điều kiện lao động, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi và năng suất lao động, An toàn, sức khỏe người lao động”

Đăng lúc: 2024-08-16 14:39:45
100%

Ngày 23/5 vừa qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phối hợp với chương trình Better Work Việt Nam tổ chức Hội thảo “Điều kiện lao động, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi và năng suất lao động, An toàn, sức khỏe người lao động”.

Tham dự Hội thảo gồm các nhà khoa học, nghiên cứu của Viện Công nhân Công đoàn, Hội Y học lao động Việt Nam, Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường Bộ Y tế, Chương trình Better Work Việt Nam và Trung tâm Hội nhập & phát triển CDI; Lãnh đạo LĐLĐ các tỉnh phí Bắc và cán bộ thực hiện công tác an toàn lao động của LĐLĐ các tỉnh phía Bắc. Đồng chí Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, đồng chí Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN nhấn mạnh: nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, tình trạng làm việc theo tính chất dây chuyền hiện nay với điều kiện lao động không đảm bảo, tăng thời gian làm thêm giờ khiến nhiều lao động làm việc căng thẳng, dẫn đến mệt mỏi, suy giảm sức khỏe, từ đó làm giảm hiệu suất và sự chú ý, làm giảm năng suất lao động; chất lượng công việc giảm sút, tăng nguy cơ mắc một số bệnh như tim mạch, đau mỏi cơ xương khớp, đau đầu.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các Báo cáo nghiên cứu khoa học của Viện Công nhân & Công đoàn do TS Vũ Minh Tiến – Phó Viện trưởng trình bày: Qua khảo sát năm 2017 của Viện về Tiền lương, thời giờ làm việc, điều kiện LĐ và ATVSLĐ trong các DN, thì hầu hết NLĐ qua khảo sát đều không muốn làm thêm giờ, chỉ có 36,1% số LĐ được khảo sát muốn làm thêm giờ, nguyên nhân bởi “Lương của họ quá thấp, không đủ tiền nuôi con, thuê nhà, lo cho cuộc sống… nên họ muốn làm thêm giờ chỉ để đủ ăn, trang trải thêm cho cuộc sống chứ không phải là để làm giàu”- TS Vũ Minh Tiến, Viện Phó Viện CNCĐ (Tổng LĐLĐVN) thông tin tại Hội thảo. Có một thực tế, đó là xảy ra tình trạng doanh nghiệp có CN “trẻ mãi không già”, ví dụ như trong ngành điện tử hầu hết chỉ có LĐ trẻ đáp ứng và làm việc tại DN còn khi có tuổi một chút, mắt đã mờ phải chuyển sang việc khác.

Cũng chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Ngọc Ngà, Phó Chủ tịch Hội Y học Lao động VN cho biết, đã có nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học quốc tế về việc ảnh hưởng của làm thêm giờ đến sức khỏe NLĐ; đó là việc ảnh hưởng trực tiếp đến huyết áp, nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành, mạch máu não, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần (như rối loạn giấc ngủ, chức năng nhận thức,…). Cụ thể khảo sát sơ bộ nhận xét của người sử dụng lao động trong 4 doanh nghiệp cho thấy có ¾ doanh nghiệp cho biết sau ca làm việc kéo dài người lao động ốm nhiều; Qua theo dõi chi tiết tại 1 công ty (tháng 9/2015), có 227 CN nghỉ ốm với số ngày nghỉ ốm là 522 ngày. Trong 473 người đến bộ phận y tế của Công ty khám thì có 100 trường hợp đau đầu, 95 trường hợp đau mỏi cơ xương khớp. Phân tích 44 trường hợp hay đau đầu thì có 13 trường hợp là do làm thêm và làm ca đêm, 31 ca chưa rõ nguyên nhân.

Còn theo chuyên gia của chương trình Better Work tại hội thảo cho biết về lợi ích của làm thêm giờ (ví dụ của 1 doanh nghiệp may) đối với chủ doanh nghiệp; đó là so sánh cùng một công việc làm, DN huy động 8 người làm thêm 1 giờ thì cần trả 150% tiền lương làm thêm giờ. Như vậy DN chỉ trả 150% + lợi thế mặt bằng lương cao hơn, bù lại DN không phải tổ chức tuyển thêm 1 lao động mới: Không phải trả 100% lương cho người lao động đó và trả nhiều khoản chi phí khác ( như 26,5 % cho phép năm, BHXH, YT, TN; 20% - 30% cho các khoản như chuyên cần, xăng xe, con nhỏ, ….; 10-15% cho nghỉ lễ, ốm đau, thai sản); không mất năng suất trong quá trình đào tạo ban đầu; rồi chi phí nhà xưởng, máy móc, thiết bị, …. Như vậy DN không phải chi tổng từ 160-180% + mặt bằng lương thấp hơn.

Tại Hội thảo, các đại biểu đến từ các tỉnh phía Bắc cũng đã tham luận, nêu ra thực trạng đặc thù của lao động tại địa phương, cũng như điều kiện lao động, thời giờ làm việc, làm thêm giờ ảnh hưởng đến năng suất lao động và an toàn, sức khỏe người lao động.

Từ ý kiến đóng góp của các đại biểu, hội thảo sẽ cung cấp thêm cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn về tác động ảnh hưởng của điều kiện lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đến năng suất lao động, an toàn sức khỏe NLĐ; để từ đó Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐViệt Nam tham gia với cơ quan nhà nước trong việc xây dựng hoàn thiện chính sách, pháp luật trên cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn phù hợp với sức khỏe của NLĐ, đặc biệt là tham gia góp ý hoàn thiện dự thảo Bộ Luật LĐ (sửa đổi chuẩn bị trình Quốc hội trong thời gian tới)./.

Vũ Trần Thanh, Ban Chính sách Pháp luật

Tin khác